Việt Nam và Lào quyết tâm tạo đột phá về hợp tác kinh tế, đầu tư thông qua việc đẩy mạnh hợp tác phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, tuyến đường sắt Vũng Áng-Viêng Chăn.
Chiều 16/8 tại Cửa Lò, Nghệ An, đã diễn ra Hội nghị giữa kỳ đánh giá triển khai Thỏa thuận kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2024 và rà soát, thúc đẩy Hiệp định hợp tác song phương giai đoạn 2021-2025 dưới sự đồng chủ trì của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Lào trao đổi tại Hội nghị giữa kỳ đánh giá triển khai Thỏa thuận kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2024 và rà soát, thúc đẩy Hiệp định hợp tác song phương hai nước giai đoạn 2021-2025 được tổ chức tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An vừa qua. Ảnh: Thành Duy
Một trong những nội dung quan trọng được lãnh đạo 2 bên rất quan tâm là thời gian tới cần có đột phá về hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước, thông qua việc đẩy mạnh hợp tác công-tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, tuyến đường sắt Vũng Áng-Viêng Chăn để kết nối Lào ra biển, hợp tác hàng không, hạ tầng kết nối các cửa khẩu.
Trong đó, dự án đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn có tổng chiều dài tuyến dự kiến khoảng 688 km (xây dựng mới khoảng 406km, bao gồm 345 km trên địa phận Lào và 61km trên địa phận Việt Nam từ thành phố Vinh đến Cửa khẩu Thanh Thủy (huyện Thanh Chương), phần còn lại nhập vào tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Hà Nội về thành phố Vinh. Quy mô hoàn chỉnh đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội có 4 đến 6 làn xe.
Hiện nay, đoạn tuyến Hà Nội - Vinh có chiều dài khoảng 315 km thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đoạn tuyến cao tốc từ thành phố Vinh đến Cửa khẩu Thanh Thủy đã được cập nhật trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, với quy mô 6 làn xe.
Tại Nghị quyết số 162/NQ-CP ngày 4/10/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự án cao tốc Vinh - Thanh Thủy được Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Nghệ An chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 bằng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động khác.
Tại Quyết định số 625/QĐ-TTg ngày 11/7/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự án đầu tư, xây dựng cao tốc Vinh - Thanh Thủy (thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn) tiếp tục được đưa vào danh mục một trong các dự án giao thông ưu tiên đầu tư từ vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 và các nguồn vốn khác.
Tại hội nghị trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn và tuyến đường sắt Vũng Áng-Viêng Chăn để kết nối Lào ra biển là 2 tuyến đường chiến lược và hiện phía Việt Nam đang nghiên cứu huy động nguồn lực làm để thực hiện, dự kiến theo hình thức 3 bên: hợp tác Việt Nam -Lào và một bên thứ ba.
Hướng tuyến dự kiến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn. Ảnh: Bộ GTVT
Ngày 14/9/2015, tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), để tăng cường hợp tác về giao thông vận tải nhằm triển khai các hiệp định, kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và an ninh - quốc phòng, Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào đã ký kết Bản ghi nhớ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; trong đó về đường bộ xác định “nghiên cứu xây dựng tuyến đường ngắn nhất kết nối giữa hai Thủ đô Hà Nội - Viêng Chăn”.
Trên cơ sở đó, ngày 24/11/2016, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải Lào đã ký Thỏa thuận đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn. Hướng tuyến được xác định đi qua khu vực cặp cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (Việt Nam)/Nậm On, tỉnh Bô ly khăm xay (Lào).
Cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn khi được xây dựng, hoàn thành sẽ là tuyến đường cao tốc đầu tiên nối thủ đô hai nước Việt Nam - Lào; đây là tuyến đường ngắn nhất và địa hình thuận lợi nhất; tạo kết nối giao thông trên hành lang kinh tế Đông - Tây; đặc biệt là từ Lào, Đông Bắc Thái Lan với hệ thống cảng biển Bắc Trung Bộ của Việt Nam.
Hiện nay, các hoạt động kết nối tại cặp cửa khẩu Thanh Thủy/Nậm On đang được Nghệ An (Việt Nam) và tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) xúc tiến nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu, qua lại biên giới, tăng cường hợp tác hai bên biên giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới.
Theo kế hoạch, ngày 29/8/2024, Hội đàm cấp cao giữa đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An (Việt Nam) với đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) sẽ được tổ chức tại thành phố Vinh. Tại sự kiện quan trọng này sẽ công bố các quyết định cho phép người, phương tiện cơ giới đường bộ và hàng hóa của 2 tỉnh Nghệ An - Bô Ly Khăm Xay được qua lại cặp cửa khẩu Thanh Thủy/Nậm On.
Ngày 10/7 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó đến năm 2030 sẽ hình thành cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Nghệ An)/Nậm On (Bô Ly Khăm Xay).