Khởi sắc công nghiệp Nghệ An

23/12/2024
Năm 2024, thu hút đầu tư của Nghệ An tiếp tục tăng tốc đạt kết quả ấn tượng. Cùng với đó, sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp đẩy mạnh tái sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế.

Những chuyển động tích cực

Thời điểm cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nhu cầu đơn hàng trong nước và xuất khẩu tăng cao, vì vậy, Nhà máy Hoa Sen Nghệ An đang vận hành tối đa công suất các dây chuyền để đáp ứng nhu cầu đơn hàng. Sản lượng sản xuất bình quân trong 3 tháng gần nhất đạt 57.800 tấn/tháng, cao hơn 10% so với sản lượng bình quân 11 tháng năm 2024.

Ông Hồ Xuân Sỹ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An cho biết: Riêng tháng 12/2024 và tháng 1/2025, dự kiến tổng sản lượng sản xuất tại tất cả các dây chuyền của nhà máy đạt hơn 207 nghìn tấn/tháng. Hiện tại, nhà máy đang tập trung toàn bộ nhân sự và nguồn lực cần thiết để đẩy nhanh tiến độ sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng cao. Tổng sản lượng dự kiến cả năm 2024 đạt 697.000 tấn, tăng 10% so với năm 2023; doanh thu đạt khoảng 13.000 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2024 số thuế nộp ngân sách khoảng 570 tỷ đồng.

công nhân nhà máy tôn Hoa Sen tập trung sản xuất kịp đơn hàng cuối năm. Ảnh Thu Huyền

Công nhân Nhà máy Tôn Hoa Sen tập trung sản xuất kịp đơn hàng cuối năm. Ảnh: T.H

“Năm 2025, công ty dự kiến sản xuất khoảng 700.000 tấn thành phẩm, với lợi nhuận dự kiến đạt hơn 610 tỷ đồng. Công ty đang thực hiện các bước thủ tục với ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam để xin triển khai các dự án mở rộng quy mô sản xuất tại Nhà máy Hoa Sen Nghệ An nâng công suất lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường”, Giám đốc công ty cho biết thêm.

Thời gian qua, bên cạnh những doanh nghiệp trong nước sản xuất ổn định trên địa bàn, Nghệ An cũng bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới từ nước ngoài. Nhiều “quả đấm thép” đi vào sản xuất, kinh doanh đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhất là sản xuất hàng hóa, xuất, nhập khẩu, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách... Lĩnh vực dệt may cũng đang có thêm nhiều doanh nghiệp FDI vào “đầu quân” tại Nghệ An.

sản xuất tại Công ty TNHH tôn Hoa sen

Năm 2024, Công ty TNHH MTV Hoa Sen sản lượng đạt 697.000 tấn, nộp ngân sách khoảng 570 tỷ đồng. Ảnh: T.H

Điển hình như Công ty TNHH May An Nam Matsuoka hiện có khoảng 2.600 lao động đang làm việc, chuyên sản xuất hàng may mặc. Doanh thu năm 2024 ước đạt 604 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 ước đạt 643 tỷ đồng, trong đó, có mặt hàng quần nam cho hãng Uniqlo tại công ty. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, châu Âu, Canada, Mỹ​.

Năm 2024, sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh. Theo số liệu từ Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh) ước đạt 113.027 tỷ đồng, tăng 16,38%/năm 2023.

Một số ngành, lĩnh vực có kết quả tốt như: Công nghiệp khai thác đá xây dựng tăng 32,33%/ kế hoạch do nhu cầu cung cấp cho các công trình giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh tăng. Hai Nhà máy TH Truemilk và Vinamilk đều duy trì tốt thị trường tiêu thụ và phát huy tốt các dây chuyền mới mở rộng nên dự kiến năm 2024 ước đạt 365 triệu lít, tăng 12,85%/năm 2023, tăng 4,45%/ kế hoạch do cả hai Nhà máy TH Truemilk và Vinamilk đều duy trì tốt thị trường tiêu thụ và phát huy tốt các dây chuyền mới mở rộng.

Năm qua, giá đường thế giới tăng cao, nguồn cung đường từ Ấn Độ và Thái Lan giảm mạnh, năng suất mía tăng lên và diện tích vùng nguyên liệu mía được giữ ổn định nên ước đạt 117.376 tấn, tăng 10,03%/năm 2023.

bieudo-giatrisxcn2024.png

Đồ họa: Hữu Quân

Đối với sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may, một số nhà máy như: Nakano, Koyu Textile, Matsouka Thanh Chương, Gaiwat Việt Nam đi vào hoạt động ổn định. Tại các doanh nghiệp (Minh Anh Kim Liên, Hi-Tex, Sangwoo, Woin Vina...) đơn hàng ổn định nên quần áo may tăng mạnh.

Đặc biệt, mặt hàng linh kiện điện tử có sự tăng trưởng vượt bậc. Sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô ước tăng gấp đôi cùng kỳ do các dự án sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, các dự án mới đi vào hoạt động bắt đầu sản xuất sản phẩm ra thị trường (Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam mở rộng dây chuyền sản xuất, Nhà máy Sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị chính xác Goertek đi vào hoạt động chạy thử)...... năm 2024 ước đạt 580 triệu sản phẩm, tăng gấp 3 lần năm 2024, đạt kế hoạch giao.

kcn VSIP

Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An 1 hiện đã thu hút 55 dự án đầu tư, trong đó, 34 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm bước đầu cho khoảng 23.000 lao động. Ảnh: T.H

Tái cơ cấu ngành theo hướng chiều sâu

Tái cơ cấu ngành công nghiệp và thu hút đầu tư theo hướng có chiều sâu, tham gia chuỗi cung ứng là vấn đề được tỉnh, ngành Công Thương, Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam quan tâm chỉ đạo. Chính vì thế, hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển nhất là lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện điện tử, phụ tùng ô tô. Đánh giá về kết quả đạt được trong năm 2024, ông Phan Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong năm, một số dự án sản xuất linh, phụ kiện, nguyên, vật liệu đi vào hoạt động góp phần nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh sản phẩm trong chuỗi giá trị; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết nhiều việc làm, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.

CTy CP dệt may Vinatex

Sản xuất tại Công ty CP Dệ̣̂t may Vinatex, Hoàng Mai. Ảnh: TH

Nghệ An từng bước hình thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao trong khu vực Bắc Trung Bộ, với nhiều dự án đi vào hoạt động như: Công Ty TNHH JTEC Nghệ An sản xuất bộ dây cáp ô tô 417.734 sản phẩm/năm, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Everwin Precision Việt Nam giai đoạn 1 với 270 triệu sản phẩm/năm; Công ty TNHH KHKT Luxvisions Innovation (Nghệ An) sản xuất cụm camera; Công ty TNHH Công Nghệ Kersen; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô JuTeng giai đoạn I 32 triệu sản phẩm/năm; Dự án Sunny Automotive Quang học Vina của Tập đoàn Sunny chuyên sản xuất, gia công linh kiện quang học, lắp ráp mô-đun camera, camera điện thoại di động, camera ô tô và các thiết bị điện tử khác với công suất 60 triệu sản phẩm/năm.

Ngành dệt may, da giày với mục tiêu hướng đến đầu tư vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh trong các khâu sản xuất trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Các dự án mới đi vào hoạt động trong năm như: Nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm giày dép Viet Fast - Yên Thành 8 triệu sản phẩm/năm; Dự án nhà máy sản xuất giày, dép Andromeda giai đoạn 1 (KCN Hoàng Mai I)… đã góp phần dịch chuyển các hoạt động sản xuất gia công về địa bàn nông thôn và các huyện miền núi Nghệ An gắn với nguồn lao động tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động.

cảng cửa Lò

Hàng hóa xuất qua cảng cửa Lò. Ảnh: T.H

Những kết quả đạt được trong năm 2024 là cơ sở tạo đà, bổ sung năng lực sản xuất mới tăng thêm cho ngành công nghiệp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của Nghị quyết đại hội đề ra.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ tập trung thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU. Đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường...; thu hút đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm, nhất là dự án quy mô lớn tạo sự lan tỏa. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; lồng ghép các chính sách phát triển công nghiệp nông thôn để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác kết quả thu hút các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để tạo mặt bằng hấp dẫn các nhà đầu tư thứ cấp. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, các cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư…

Năm 2025, dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp đạt 130.600 tỷ đồng, tăng 15,55%/năm 2024. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 26.178 tỷ đồng, tăng 15,5%/năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa: dự kiến 120.000 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2024. Tổng kim gạch xuất khẩu ước đạt 4.500 triệu USD/mục tiêu Nghị quyết đại hội 1.765 triệu USD, tăng 21,62% so với năm 2024.